Nội trị Justinianus_I

Tổng quan

Ông được biết đến như là "vị Hoàng đế không ngủ" trong các ghi chép về thói quen làm việc của mình. Justinianus rất hiếm khi rời khỏi kinh đô và do đó ông được xem là một „nhà đối nội“ thực thụ. Nhưng cũng không thể không nói rằng ông là một người rất may mắn khi ông có những cố vấn có tài phò tá, qua đó cho phép ông có thể thực thực hiện các dự án quy mô lớn.[56] Để thực hiện tham vọng phục hồi các lãnh thổ đã mất của mình và thậm chí nếu cho dù ông không có sáng kiến gì để canh tân triều đình, thì ông vẫn có thể ngồi chơi xơi nước, để mặc chuyện đại sự cho các tướng lĩnh của ông lo liệu. Nổi tiếng nhất trong số đó là Belisarius, người chinh chiến trên mọi mặt trận khi cần thiết. Tương tự như vậy, các tướng như Germanus, Mundus, hay viên thái giám Narses cũng đóng một vai trò quyết định trong cuộc tái chinh phục bán đảo Ý, trong khi Ioannes Troglita nắm vai trò quyết định trong công cuộc bình định xứ Africa. Về mặt đối nội, Justinianus cũng sở hữu nhưng viên cố vấn chất lượng như Tribonianus, nhân vật chủ chốt đằng sau bộ "Corpus Juris Civilis". Tương tự như vậy, Ioannes xứ Cappadocia cũng đã cho thấy rằng ông là một pháp quan thái thú nhiệt tình và hiệu quả.[57]

Giai đoạn đầu của triều đại Justinianus là không thể tách rời với mối quan hệ với người vợ tên là Theodora, một người phụ nữ có xuất thân là kỹ nữ và bị giáo hội khinh miệt. Trước đó, Justinianus không thể kết hôn với bà bởi vì sự khác biệt tầng lớp của bà, nhưng người bác của ông, Hoàng đế Justinus I trước đó đã thông qua một đạo luật cho phép kết hôn giữa những tầng lớp xã hội khác nhau. Cả hai người kết hôn cùng nhau vào năm 525. Justinianus chắc chắn đã dành rất nhiều tình cảm dành cho bà, việc bà qua đời vào năm 548 đã khiến hoàng đế rất đau đớn. Chắc chắn là Theodora đã có không ít tác động đến những quyết định chính trị của Justinianus, điển hình là khi bà từ chối bỏ trốn khi cuộc bạo loạn Nika nổ ra. Trong cuốn Bí sử, Procopius xứ Caesarea có để cập đến sự thao túng Justinianus của Theodora, tuy nhiên, đây được cho là một điều phóng đại.[58][59]

Đồng tiền vàng mang hình Justinianus.

Justinianus quan tâm đế chính quyền các tỉnh và các thành phố cũng như các vấn đề thần học. Thông qua nhiều bộ luật và pháp lệnh được ban hành, ông đã cố gắng hợp lý hóa việc quản trị đế chế La Mã thời kỳ cuối và thích ứng với các yêu cầu hiện tại. Tuy không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ông thực hiện nó bằng những nỗ lực đáng nể. Hệ thống luật pháp mà ông tạo nên, là bước đột phá và còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến thời hiện đại. Một nguồn tư liệu quan trọng về giai đoạn cuối của lịch sử hành chính thời hậu kỳ cổ đại là tài liệu lưu trữ của viên chức Diosporus, người từng nắm giữ các vị trí quan trọng ở Ai Cập dưới thời Justinianus và vị vua kế nhiệm. Một tác phẩm quan trọng hơn là cuốn De magistratibus của cựu viên chức hoàng gia Ioannes Lydos, mang đến một cái nhìn sâu sắc về chính quyền thời hậu kỳ cổ đại.

Tuy nhiên, những cuộc chiến (chủ yếu là cuộc chiến ở biên giới phía đông với người Ba Tư) là một gánh nặng đáng kể đối với nền tài chính quốc gia. Việc xây dựng không được kiểm soát, và đặc biệt là hậu quả của dịch bệnh dịch hạch gây ra gánh nặng tài chính ngày càng tăng, dẫn đến sự bần cùng hóa một bộ phận dân số. Mặt khác, những nơi không bị ảnh hưởng bởi sự xâm lăng của người Ba Tư như Tiểu Á, Ai Cập và các khu vực ở SyriaPalestine đều trải qua một thời kỳ thịnh vượng dưới thời Justinianus. Tại đây, các thành phố vẫn giữ được đặc trưng cổ xưa mà đã biến mất ở nhiều nơi, đặc biệt là ở phía nam sông Danube. Thật khó để nói được Justinianus đã thực sự kéo căng nguồn lực của đế quốc bao nhiêu và nó vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Nhìn chung, tầng lớp quý tộc Hậu La Mã ở phương Đông có thể đã tiếp tục duy trì sự uy tín xã hội, sự giáo dục cổ điển (paideia) và một tài sản vô biên (một ví dụ điển hình về điều này là quý bà Anicia Juliana). Tuy nhiên, có những căng thẳng rõ rệt đã phát sinh giữa các nguyên lão bị tước hết quyền lực chính trị và hoàng đế.[60]

Bạo loạn Nika

Sự kiện liên quan đến nội trị nổi bật nhất trong triều đại của Justinianus đã được biết đến như là cuộc bạo loạn Nika diễn ra ở Constantinopolis năm 532. Người ủng hộ hai đội đua xe ngựa vốn thù địch nhau, đội Xanh lam (venetoi) và đội Xanh lục (prasinoi), tức giận việc Justinianus nỗ lực hạn chế quyền lực của họ, nên đã cùng nhau tham gia chống lại ông. Trong cuộc bạo loạn này, các khán giả đã la hét ầm ĩ chống đối hoàng đế và tôn Hypatius, cháu của cựu hoàng Anastasius lên làm hoàng đế. Có lẽ cũng đã có nhiều nguyên lão cấp cao khác đã tham gia vào cuộc nổi dậy. Trong khi đám đông đang nổi loạn trên khắp các nẻo phố, Justinianus tưởng chừng như đã đánh mất tất cả và đã định chạy trốn khỏi kinh đô. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã quyết định ở lại, có lẽ do lời can ngăn của vợ ông là Theodora. Trong hai ngày tiếp theo, ông đã ra lệnh các tướng Belisarius và Mundus đàn áp cuộc bạo loạn một cách tàn bạo. Dựa theo lời khăng khăng của Theodora (có lẽ trái với suy nghĩ của bản thân),[61] hoàng đế đã hạ lệnh xử tử cháu trai của cựu hoàng cùng anh trai Pompeius và ngoài ra cũng có rất nhiều quý tộc khác đã bị giết.[62] Ước tính, trong các cuộc bạo loạn này, hơn 3 vạn người được cho là đã bị giết.[63]

Hoả hoạn đã xảy ra khiến một phần của Constantinopolis bị đốt cháy. Đám cháy đã cung cấp cho Justinianus một cơ hội để ghắn liền tên ông với một loạt các công trình tráng lệ mới, đáng chú ý nhất là Hagia Sophia cùng với mái vòm của nó. Sau khi cuộc bạo loạn kết thúc, kinh đô Constantinopolis trở nên yên ổn trong một thời gian dài; sự thống trị của Justinianus không còn bị đẹ doạ từ bên trong. Cố gắng soán vị của Ioannes Cottistis năm 537 đã bị dập tắt chỉ trong vòng vài ngày. Chỉ trong vài năm cuối, một lần nữa tình trạng bất ổn mới xuất hiện trong dân chúng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Justinianus_I //nla.gov.au/anbd.aut-an35803615 http://www.anders.com/lectures/lars_brownworth/12_... http://www.byzantium1200.com/justinia.html http://www.pallasweb.com/deesis/constantine-justin... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://www.academia.edu/1013050/Das_Westromische_K... http://faculty.cua.edu/pennington/Law508/Roman%20L... http://www.fordham.edu/halsall/basis/procop-anec.h... http://www.tulane.edu/~august/H303/handouts/Financ... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/...